Trợ lý ảo hỗ trợ công tác xây dựng Đảng

Docly Child

Quy trình sinh hoạt

Ước tính thời gian nghiên cứu: 7 phút 99 lượt xem

QUY TRÌNH SINH HOẠT CHI BỘ

—–

Tuỳ theo nội dung sinh hoạt chi bộ (sinh hoạt định kỳ, sinh hoạt chuyên đề hay kết hợp sinh hoạt định kỳ với chuyên đề), các cấp ủy cần nắm chắc quy trình sinh hoạt chi bộ như sau:

1. Đối với sinh hoạt định kỳ

1.1. Phần mở đầu

Đồng chí chủ trì buổi sinh hoạt tiến hành các nội dung sau:

– Giới thiệu đại biểu (nếu có).

– Thông báo tình hình đảng viên tham dự sinh hoạt chi bộ, trong đó nêu rõ: Tổng số đảng viên (chính thức, dự bị); số đảng viên được miễn sinh hoạt, công tác; số đảng viên có mặt dự họp; số đảng viên vắng mặt (ghi rõ họ tên) và lý do vắng;

– Thông qua chương trình, nội dung, thời gian sinh hoạt chi bộ và những vấn đề trọng tâm chi bộ cần tập trung thảo luận (chi bộ thảo luận thông qua);

– Cử thư ký cuộc họp (chú ý chọn đồng chí có khả năng, kinh nghiệm, chữ viết rõ ràng để tổng hợp ghi chép đầy đủ, trung thực, chính xác ý kiến phát biểu của đảng viên, kết luận của đồng chí chủ trì theo mẫu biên bản ).

1.2. Phần tổ chức sinh hoạt

– Đồng chí chủ trì điều hành việc báo cáo các nội dung sinh hoạt đã được chi ủy chuẩn bị và gợi ý thảo luận. Tổng hợp và thông báo các ý kiến tham gia của tổ đảng (nếu có). Công tác đánh giá phải có sự so sánh giữa các chỉ tiêu kế hoạch đề ra của nghị quyết tháng trước với kết quả thực hiện nghị quyết, chỉ rõ những nội dung công việc đã làm được, chưa làm được, nguyên nhân (chủ quan, khách quan).

– Đảng viên phát biểu ý kiến, tập trung trao đổi, thảo luận; tự phê bình kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao; góp ý, phê bình đối với đảng viên trong chi bộ.

– Đồng chí chủ trì cung cấp thông tin và định hướng để làm rõ những vấn đề đảng viên quan tâm, những nội dung cần thảo luận, tạo bầu không khí dân chủ, gợi mở, khuyến khích đảng viên tham gia đóng góp ý kiến để buổi sinh hoạt đạt hiệu quả.

Trong quá trình thảo luận, đồng chí chủ trì cần phát huy dân chủ, lắng nghe ý kiến của đảng viên để đảng viên thể hiện chính kiến của mình. Đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, cần dành thời gian thỏa đáng để chi bộ phân tích, đánh giá trên cơ sở nêu cao tính lãnh đạo, tính chiến đấu và tính giáo dục của chi bộ, đảng viên trước khi kết luận và biểu quyết từng nội dung cụ thể (đối với những nội dung, những ý kiến chưa thống nhất thì được bảo lưu).

1.3. Phần kết thúc

Đồng chí chủ trì cần thực hiện các công việc sau:

– Tổng hợp các ý kiến phát biểu, thống nhất hoặc chưa thống nhất, kết luận những vấn đề lớn, quan trọng mà chi bộ đã thảo luận; phân công cấp ủy viên, tổ đảng, đoàn thể hoặc đảng viên để thực hiện các nhiệm vụ, công việc được nêu trong kết luận của chi bộ và quy định thời gian hoàn thành.

– Định hướng tư tưởng; giải quyết hoặc phản ánh với cấp có thẩm quyền về tâm tư, nguyện vọng, những đề xuất, kiến nghị của đảng viên (nếu có).

– Chi bộ biểu quyết thông qua nghị quyết (theo mẫu nghị quyết ) hoặc kết luận. Sau khi kết thúc buổi sinh hoạt, nghị quyết hoặc kết luận được chuyển đến cho các đảng viên bằng hình thức thích hợp để đảng viên thực hiện.

– Đánh giá chất lượng buổi sinh hoạt: Căn cứ Khung tiêu chí đánh giá chất lượng sinh hoạt chi bộ, đồng chí chủ trì thông qua kết quả đánh giá xếp loại chất lượng của buổi sinh hoạt, kết quả đánh giá được ghi vào biên bản họp chi bộ (kèm theo khung tiêu chí đánh giá chất lượng).

– Thư ký thông qua biên bản cuộc họp.

– Đồng chí chủ trì và thư ký ký vào biên bản cuộc họp.

2. Đối với sinh hoạt chuyên đề

2.1. Phần mở đầu: Thực hiện như sinh hoạt định kỳ.

2.2. Phần tổ chức sinh hoạt

– Đồng chí chủ trì nêu mục đích, yêu cầu buổi sinh hoạt chuyên đề.

– Đảng viên được phân công chuẩn bị trình bày chuyên đề.

– Các đảng viên phát biểu, nêu nhận thức của cá nhân đối với chuyên đề và tác dụng của chuyên đề đối với bản thân; liên hệ với chi bộ, cơ quan, đơn vị; trao đổi, đóng góp ý kiến để hoàn thiện làm rõ chuyên đề.

– Đảng viên được phân công chuẩn bị chuyên đề trao đổi, tiếp thu ý kiến.

2.3. Phần kết thúc

Đồng chí chủ trì đánh giá việc chuẩn bị, chất lượng của chuyên đề; ý nghĩa, tác dụng của chuyên đề đối với chi bộ, đảng viên. Kết luận các nội dung cần tiếp thu để bổ sung, hoàn thiện dự thảo chuyên đề.

Chuyên đề sau khi hoàn thiện được gửi cho đảng viên (chi bộ đông đảng viên có thể gửi tổ đảng) để học tập, thực hiện và báo cáo cấp ủy cấp trên trực tiếp (thể hiện trong báo cáo tháng của chi bộ).

Sổ tay điện tử – ĐUK Bình Thuận

0