Trợ lý ảo hỗ trợ công tác xây dựng Đảng

Docly Child

Hướng dẫn công tác tổ chức đại hội đảng cấp cơ sở nhiệm kỳ 2025 – 2030

Ước tính thời gian nghiên cứu: 64 phút 3760 lượt xem

* Việc tổ chức đại hội đảng cấp cơ sở nhiệm kỳ 2025 – 2030 được thực hiện theo Hướng dẫn số 16-HD/ĐUK, ngày 29/10/2024 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh Bình Thuận:

I. VIỆC CHỈ ĐẠO TỔ CHỨC ĐẠI HỘI

– Đảng ủy cơ sở thành lập các tổ chỉ đạo đại hội các chi, đảng bộ trực thuộc. Các tổ chỉ đạo đại hội do các đồng chí bí thư, phó bí thư đảng ủy cơ sở làm tổ trưởng.

– Cấp ủy các chi, đảng bộ cơ sở không thành lập các tiểu ban giúp việc chuẩn bị và tổ chức đại hội. Việc chuẩn bị nội dung, nhân sự và công tác tổ chức, phục vụ đại hội do tập thể cấp ủy triệu tập đại hội chịu trách nhiệm.

* Lưu ý:

– Đối với đại hội chi bộ cơ sở; đại hội đảng bộ bộ phận; đại hội chi bộ trực thuộc đảng uỷ cơ sở, đại hội đảng bộ bộ phận: Tiến hành đại hội đảng viên.

– Đối với đại hội đảng bộ cơ sở: Các đảng bộ cơ sở có dưới 200 đảng viên thì tiến hành đại hội đảng viên; có từ 200 đảng viên trở lên thì tiến hành đại hội đại biểu. Những trường hợp đảng bộ cơ sở có dưới 200 đảng viên nếu có khó khăn về điều kiện tổ chức đại hội đảng viên và được Ban Thường vụ Đảng uỷ Khối đồng ý, thì tổ chức đại hội đại biểu; số lượng đại biểu do Ban Thường vụ Đảng uỷ Khối trực tiếp quyết định.

II. VỀ NỘI DUNG ĐẠI HỘI

Thực hiện các nội dung theo Kế hoạch số 201-KH/ĐUK, ngày 01/8/2024 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối về tổ chức đại hội Đảng ở cơ sở và Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh lần thứ II, nhiệm kỳ 2025 – 2030.

* Lưu ý một số nội dung sau:

– Trong đại hội, Đoàn chủ tịch (hoặc chủ tịch) trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý văn kiện cấp trên của chi, đảng bộ mình, đại hội thảo luận, biểu quyết thông qua.

– Việc hướng dẫn thảo luận ở đại hội cần tập trung vào những vấn đề lớn, trọng tâm, những vấn đề còn có ý kiến khác nhau,… Cần gợi ý để tạo không khí tranh luận, coi trọng quyền phát biểu của đại biểu, đảng viên trong đại hội, khắc phục tình trạng đại biểu chuẩn bị trước văn bản đọc tham luận hoặc liệt kê nêu thành tích. Đoàn chủ tịch (hoặc chủ tịch) Đại hội cần quy định thời lượng phát biểu ý kiến của đại biểu, đảng viên.

– Khi biểu quyết giơ tay (sử dụng thẻ đảng viên để biểu quyết), thư ký chịu trách nhiệm tập hợp đầy đủ, chính xác.

III. VỀ THỜI GIAN TIẾN HÀNH ĐẠI HỘI

Thực hiện các nội dung được nêu tại mục V, Kế hoạch số 201-KH/ĐUK, ngày 01/8/2024 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối về tổ chức đại hội Đảng ở cơ sở và Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh lần thứ II, nhiệm kỳ 2025 – 2030 và mục 2, Thông báo số 1952-TB/ĐUK, ngày 15/8/2024 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối về chỉ định đơn vị tổ chức đại hội điểm và lịch tổ chức đại hội các chi bộ cơ sở, đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2025 – 2030.

IV. NHIỆM VỤ CỦA CẤP ỦY TRIỆU TẬP ĐẠI HỘI, CÁC TỔ CHỨC ĐIỀU HÀNH VÀ GIÚP VIỆC CHO ĐẠI HỘI

1. Nhiệm vụ của cấp ủy triệu tập đại hội

– Chuẩn bị kế hoạch tổ chức đại hội và dự thảo các báo cáo, các vấn đề về nhân sự đại biểu, đề án nhân sự cấp ủy, ủy ban kiểm tra và đề án nhân sự dự đại hội cấp trên (nếu có).

– Tiếp nhận đơn ứng cử vào cấp ủy của đảng viên chính thức không phải là đại biểu chính thức của đại hội (đại hội đại biểu) theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

– Quyết định và thông báo thời gian khai mạc đại hội trước 30 ngày làm việc; thông báo số lượng đại biểu và phân bổ đại biểu cho các chi, đảng bộ trực thuộc; chỉ đạo việc bầu cử đại biểu bảo đảm đúng nguyên tắc, thủ tục quy định.

– Cung cấp tài liệu cho ban thẩm tra tư cách đại biểu về tình hình, kết quả bầu cử đại biểu và những vấn đề có liên quan đến tư cách đại biểu, tình hình đảng viên dự đại hội.

– Cung cấp tài liệu cho đoàn chủ tịch đại hội để trả lời các vấn đề do đại biểu đại hội yêu cầu.

– Chỉ đạo, triển khai thực hiện các mặt công tác thường xuyên của đảng bộ, chi bộ cho đến khi bầu được cấp ủy khoá mới.

– Chuẩn bị tài liệu cho cấp ủy khoá mới để bầu các chức danh lãnh đạo của cấp ủy trong phiên họp thứ nhất (đối với đảng bộ).

* Lưu ý: Những đảng bộ cơ sở tổ chức đại hội đại biểu phải hoàn thành việc thông báo số lượng đại biểu và phân bổ đại biểu cho các chi, đảng bộ trực thuộc trước ít nhất 30 ngày diễn ra đại hội chi, đảng bộ đầu tiên thuộc đảng bộ mình.

2. Các tổ chức điều hành và giúp việc đại hội

2.1. Đoàn chủ tịch (Chủ tịch) đại hội

Đoàn chủ tịch đại hội là cơ quan điều hành công việc của đại hội, làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, quyết định theo đa số. Cấp ủy triệu tập đại hội đề xuất, đại hội thảo luận, biểu quyết về số lượng và danh sách đoàn chủ tịch, chủ tịch đại hội. Đại hội chi bộ biểu quyết danh sách đoàn chủ tịch hoặc chủ tịch đại hội. Cấp ủy triệu tập đại hội giới thiệu chuẩn bị số lượng thành viên đoàn chủ tịch đại hội cấp cơ sở từ 3 đến 5 đồng chí (những chi bộ có dưới 10 đảng viên thì giới thiệu thành viên đoàn chủ tịch 02 đồng chí hoặc 01 đồng chí làm chủ tịch đại hội) để báo cáo đại hội xem xét, quyết định.

– Nhiệm vụ của Đoàn chủ tịch đại hội (Chủ tịch đại hội): Điều hành công việc của đại hội theo chương trình, quy chế làm việc đã được đại hội biểu quyết thông qua; phân công thành viên điều hành nội dung, chương trình các phiên họp của đại hội; chuẩn bị nội dung để đại hội thảo luận, biểu quyết; chuẩn bị ý kiến giải trình các vấn đề đại biểu còn có ý kiến khác nhau; lãnh đạo, điều hành các hoạt động của đại hội. Điều hành việc bầu cử theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương.

– Việc điều hành của Đoàn chủ tịch đại hội (Chủ tịch đại hội): Tất cả nội dung trình ra đại hội và trình tự điều hành của đoàn chủ tịch (hoặc chủ tịch) đại hội cần chuẩn bị kỹ bằng văn bản và phân công cụ thể cho từng thành viên tham gia đoàn chủ tịch (kịch bản điều hành đại hội).

2.2. Ban thẩm tra tư cách đại biểu (đối với đại hội đại biểu)

Thành viên của ban thẩm tra tư cách đại biểu của đại hội phải là những đại biểu chính thức của đại hội, am hiểu về công tác tổ chức, cán bộ và công tác kiểm tra. Cấp ủy triệu tập đại hội giới thiệu, đại hội biểu quyết số lượng và danh sách ban thẩm tra tư cách đại biểu (cấp ủy triệu tập đại hội đại biểu cấp cơ sở chuẩn bị để đại hội xem xét, biểu quyết số lượng từ 3 đến 5 đồng chí).

Đại hội đảng viên không bầu ban thẩm tra tư cách đại biểu; cấp ủy triệu tập đại hội báo cáo với đại hội tình hình đảng viên tham dự đại hội.

– Nhiệm vụ của Ban thẩm tra tư cách đại biểu:

+ Xem xét báo cáo của cấp ủy về việc chấp hành nguyên tắc, thủ tục, tình hình và kết quả bầu cử đại biểu; những vấn đề có liên quan đến tư cách đại biểu.

+ Xem xét, kết luận các đơn, thư khiếu nại, tố cáo về tư cách đại biểu do cấp ủy các cấp giải quyết; báo cáo với đoàn chủ tịch để trình đại hội xem xét, quyết định về những trường hợp không được công nhận tư cách đại biểu, những trường hợp có đơn xin rút khỏi danh sách đại biểu và việc chuyển đại biểu dự khuyết thành đại biểu chính thức đã được triệu tập.

+ Báo cáo với đại hội kết quả thẩm tra tư cách đại biểu để đại hội xem xét, biểu quyết công nhận.

2.3. Đoàn thư ký đại hội (Thư ký đại hội)

Đoàn thư ký đại hội gồm những đại biểu chính thức (đối với đại hội đại biểu) hoặc đảng viên chính thức (đối với đại hội đảng viên). Cấp ủy triệu tập đại hội đề xuất, giới thiệu để đại hội biểu quyết về số lượng, danh sách đoàn thư ký và trưởng đoàn thư ký. Ở đại hội chi bộ thì chi ủy (nơi có chi ủy) hoặc bí thư chi bộ (nơi không có chi ủy) đề xuất, giới thiệu để đại hội biểu quyết. Trưởng đoàn thư ký có trách nhiệm phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, chịu trách nhiệm trước đoàn chủ tịch về nhiệm vụ của đoàn thư ký (nơi đoàn thư ký có 02 người trở lên thì có trưởng đoàn). Cấp ủy triệu tập đại hội chuẩn bị số lượng thành viên đoàn thư ký ở đại hội cấp cơ sở từ 1 đến 2 đồng chí để đại hội xem xét, quyết định.

– Nhiệm vụ của Đoàn thư ký (Thư ký đại hội):

+ Ghi biên bản, tổng hợp đầy đủ, trung thực ý kiến của các đại biểu, đảng viên tại hội trường và các phiên làm việc tại tổ đại biểu (đối với đại hội đại biểu); giúp đoàn chủ tịch chuẩn bị các văn bản kết luận, nghị quyết của đại hội và thông báo của đoàn chủ tịch gửi tới các đoàn đại biểu.

+ Giúp đoàn chủ tịch thực hiện một số nhiệm vụ theo Quy chế bầu cử trong Đảng của Ban Chấp hành Trung ương (tổng hợp kết quả ứng cử, đề cử phục vụ cho việc lập danh sách bầu cử trước khi đại hội bầu ban kiểm phiếu,…).

+ Thu nhận, bảo quản hồ sơ, tài liệu sau khi đại hội kết thúc và giúp đoàn chủ tịch giao nộp cấp ủy khóa mới (qua văn phòng cấp ủy).

2.4. Ban kiểm phiếu

Ban kiểm phiếu gồm một số đại biểu chính thức (đối với đại hội đại biểu), đảng viên chính thức (đối với đại hội đảng viên) trong đại hội không có tên trong danh sách ứng cử, đề cử tại đại hội. Đoàn chủ tịch (hoặc chủ tịch) đại hội đề xuất, giới thiệu, đại hội biểu quyết số lượng, danh sách thành viên ban kiểm phiếu và trưởng ban kiểm phiếu. Trường hợp đặc biệt do đại hội không cử được ban kiểm phiếu thì cấp uỷ cấp trên trực tiếp cử tổ công tác giúp việc kiểm phiếu. Cấp ủy triệu tập đại hội chuẩn bị số lượng thành viên ban kiểm phiếu ở đại hội đảng bộ không quá 5 đồng chí, ở đại hội chi bộ không quá 3 đồng chí để đại hội xem xét, quyết định.

– Ban kiểm phiếu có nhiệm vụ:

+ Hướng dẫn cách thức ghi phiếu (hoặc gạch phiếu), bỏ phiếu, kiểm tra, niêm phong thùng phiếu, phát phiếu trực tiếp cho đại biểu (hoặc theo đoàn đại biểu), kiểm số phiếu phát ra và phiếu thu về báo cáo đại hội, kiểm phiếu bầu.

+ Xem xét và kết luận về các phiếu không hợp lệ và những ý kiến khiếu nại về việc bầu cử trong đại hội (nếu có).

+ Lập biên bản kiểm phiếu, báo cáo với đoàn chủ tịch và công bố kết quả bầu cử; ký vào biên bản bầu cử, niêm phong phiếu bầu và chuyển cho đoàn chủ tịch đại hội để bàn giao cho cấp ủy khoá mới lưu trữ theo quy định.

+ Nếu kiểm phiếu bằng máy vi tính, cấp ủy hoặc ban thường vụ cấp ủy cấp triệu tập đại hội phải lựa chọn nhân viên kỹ thuật không phải là đại biểu đại hội, bảo đảm tiêu chuẩn chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ thuật, bảo đảm công tác bảo mật, giới thiệu cho đoàn chủ tịch đại hội xem xét, quyết định việc sử dụng. Nhân viên kỹ thuật phục vụ việc kiểm phiếu do ban kiểm phiếu trực tiếp điều hành và giám sát. Ngoài ban kiểm phiếu và nhân viên kỹ thuật được đại hội sử dụng làm nhiệm vụ kiểm phiếu, không ai được đến nơi ban kiểm phiếu đang làm việc.

V. CÔNG TÁC CHUẨN BỊ TỔ CHỨC ĐẠI HỘI

1. Xây dựng văn kiện đại hội

Thực hiện theo Kế hoạch số 201-KH/ĐUK, ngày 01/8/2024 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối. Dự thảo báo cáo và dự thảo nghị quyết đại hội (theo Mẫu 1Mẫu 2) cần hoàn thành và trình cấp ủy thông qua lần cuối trước ngày khai mạc đại hội ít nhất 20 ngày.

2. Công tác chuẩn bị nhân sự trước đại hội

Thực hiện theo Kế hoạch số 201-KH/ĐUK, ngày 01/8/2024 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối và theo các nội dung sau:

2.1. Tiêu chuẩn, cơ cấu, độ tuổi và số lượng cấp ủy khóa mới

a- Yêu cầu và tiêu chuẩn cấp ủy viên

Việc lựa chọn, giới thiệu nhân sự cấp ủy khóa mới phải quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 26-NQ/TW, ngày 19/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tiêu chuẩn cấp ủy viên được quy định tại Chỉ thị số 35-CT/TW của Bộ Chính trị, Quy định số 1025-QĐ/TU, ngày 15/02/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý và Quy định số 3749-QĐ/ĐUK, ngày 25/10/2024 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối về tiêu chuẩn chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Đảng ủy Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh quản lý; cụ thể là:

– Có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, Nhà nước và của Nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Đảng, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Kiên quyết đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Hiến pháp và pháp luật của Nhà nước.

– Có phẩm chất đạo đức, lối sống gương mẫu, trong sáng; thực hiện nghiêm quy định của Đảng, nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; có ý thức tổ chức kỷ luật và tinh thần trách nhiệm cao trong công việc, giữ gìn sự đoàn kết nội bộ; cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư; kê khai tài sản, thu nhập trung thực, minh bạch; không cơ hội, tham vọng quyền lực, cục bộ, bè phái, tham nhũng, tiêu cực, “lợi ích nhóm”,… Không để vợ hoặc chồng, con, người thân lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi.

– Có năng lực cụ thể hoá và tổ chức thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; có tư duy đổi mới, tầm nhìn, phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả; nói đi đôi với làm, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm; có thành tích, kết quả công tác và “sản phẩm” cụ thể trong địa bàn, lĩnh vực công tác được giao.

– Có trình độ chuyên môn, lý luận chính trị, quản lý nhà nước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ được giao và theo quy định của Đảng, Nhà nước; trình độ tin học, ngoại ngữ cần thiết và phù hợp.

– Đủ sức khoẻ để thực hiện nhiệm vụ; bảo đảm tuổi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo quy định của Đảng.

* Về việc giới thiệu tái cử cấp ủy đối với cán bộ trong thời gian thi hành kỷ luật bằng hình thức Khiển trách (không thuộc diện phải xem xét miễn nhiệm, cho từ chức theo Quy định số 41-QĐ/TW, ngày 03/11/2021 và Thông báo số 20-TB/TW, ngày 08/9/2022 của Bộ Chính trị): Cấp ủy cơ sở căn cứ vào tình hình của tổ chức đảng, đội ngũ cán bộ, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và của chi, đảng bộ cơ sở và thảo luận dân chủ, phân tích, đánh giá khách quan, thận trọng, kỹ lưỡng, cân nhắc nhiều mặt đối với từng trường hợp cụ thể về phẩm chất, năng lực, uy tín, kết quả công tác của nhân sự,…để xem xét, quyết định theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về quyết định của mình hoặc báo cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Khối xem xét, quyết định việc giới thiệu tái cử cấp ủy.

* Tiêu chuẩn nhân sự tham gia ủy ban kiểm tra cấp ủy cơ sở tương tự như tiêu chuẩn cấp ủy viên nhiệm kỳ 2025 – 2030 (nêu trên).

b- Độ tuổi cấp ủy

– Thời điểm tính độ tuổi tham gia cấp ủy ở cơ sở từ tháng 4/2025. Các đồng chí lần đầu tham gia cấp ủy cơ sở nói chung phải đủ tuổi công tác ít nhất trọn 01 nhiệm kỳ (nam sinh từ tháng 4/1968, nữ sinh từ tháng 01/1972 trở lại đây). Những đồng chí được giới thiệu tái cử ít nhất phải còn đủ tuổi công tác từ 1/2 nhiệm kỳ (30 tháng) trở lên (nam sinh từ tháng 01/1966, nữ sinh từ tháng 6/1970 trở lại đây).

– Độ tuổi cấp ủy viên của chi, đảng bộ cơ sở trong doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ trở xuống: do Ban Thường vụ Đảng ủy Khối quyết định theo đặc điểm, tình hình của từng tổ chức cơ sở đảng.

– Đối với các đồng chí cấp trưởng (hoặc cấp phó) ở các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị – xã hội, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp (bao gồm cả các đồng chí là cấp trưởng (hoặc cấp phó) ở các bộ phận, giám đốc các trung tâm, đơn vị trực thuộc) đang làm bí thư cấp ủy còn đủ tuổi công tác từ 01 năm (12 tháng) trở lên, tùy vào điều kiện thực tế có thể tiếp tục giới thiệu tái cử cấp ủy và bầu làm bí thư.

– Đối với các đồng chí bí thư hoặc phó bí thư là chủ tịch hội đồng thành viên (hội đồng quản trị), tổng giám đốc, phó bí thư chuyên trách công tác đảng trong các doanh nghiệp nhà nước còn tuổi công tác từ 1 năm (12 tháng) trở lên, nếu có đủ phẩm chất, năng lực, sức khỏe, tín nhiệm, hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên thì có thể xem xét tiếp tục tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2025 – 2030 đến khi đủ tuổi nghỉ hưu.

– Nếu tuổi của cán bộ, đảng viên không thống nhất trong hồ sơ nhân sự, thì xác định theo Hướng dẫn số 01-HD/TW, ngày 28/9/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng.

– Trường hợp trong hồ sơ của cán bộ, đảng viên chỉ ghi năm sinh và không xác định ngày sinh, tháng sinh, thì thời điểm xác định độ tuổi để tham gia cấp ủy và thực hiện chính sách đối với cán bộ là ngày 01 tháng 01 của năm sinh ghi trong hồ sơ theo quy định.

c- Cơ cấu cấp ủy

– Trên cơ sở bảo đảm tiêu chuẩn là chính, cấp ủy cần có cơ cấu hợp lý để bảo đảm yêu cầu lãnh đạo toàn diện và có tính kế thừa; nhất thiết không vì cơ cấu mà làm giảm chất lượng cấp ủy. Các chi bộ, đảng bộ cần chú ý cơ cấu cán bộ nữ, cán bộ trẻ tham gia cấp ủy; những nơi có tổ chức đoàn thanh niên, thì tùy vào điều kiện thực tế để cơ cấu đồng chí bí thư đoàn thanh niên tham gia cấp ủy. Các tổ chức cơ sở đảng ở các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị – xã hội, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước cần giới thiệu đồng chí thủ trưởng (hoặc cấp phó) tham gia cấp ủy và bầu làm bí thư cấp ủy.

– Phấn đấu đạt tỉ lệ cấp ủy viên nữ từ 15% trở lên và có cán bộ nữ trong ban thường vụ (nơi có ban thường vụ). Phấn đấu thực hiện cơ cấu 3 độ tuổi: dưới 40 tuổi từ 10% trở lên; từ 40 đến 50 tuổi khoảng 40% – 50%, còn lại trên 50 tuổi.

– Vào đầu nhiệm kỳ, những nơi nào chưa bầu đủ số lượng, tỉ lệ, cơ cấu cấp ủy theo Hướng dẫn này, thì trong nhiệm kỳ phải chủ động chuẩn bị nhân sự để kiện toàn, bổ sung theo quy định.

d- Số lượng cấp ủy:

Số lượng cấp ủy viên thực hiện theo Chỉ thị số 35-CT/TW, ngày 14/6/2024 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số 11-HD/TU, ngày 22/10/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cụ thể như sau:

– Đối với chi bộ (kể cả chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở, chi bộ trực thuộc đảng ủy bộ phận): Chi bộ có dưới 05 đảng viên chính thức chỉ bầu bí thư. Chi bộ có 09 đảng viên chính thức trở lên bầu chi ủy; chi bộ đông đảng viên bầu không quá 07 chi ủy viên (số lượng chi ủy viên không quá 1/3 số đảng viên chính thức của chi bộ). Chi bộ có dưới 9 đảng viên chính thức bầu bí thư, nếu cần bầu một phó bí thư.

– Đối với đảng bộ cơ sở: Số lượng đảng ủy viên không quá 15 đồng chí. Đảng ủy có từ 9 đồng chí trở lên thì bầu ban thường vụ, số lượng ủy viên ban thường vụ không quá 1/3 số lượng đảng ủy viên; bầu bí thư, phó bí thư trong số ủy viên ban thường vụ; số lượng phó bí thư từ 1 đến 2 đồng chí. Đảng ủy có dưới 9 đồng chí bầu bí thư, 01 phó bí thư.

– Đối với đảng bộ bộ phận: Số lượng đảng ủy viên không quá 7 đồng chí; số lượng phó bí thư 01 đồng chí.

* Lưu ý: Nếu trước đại hội chưa chuẩn bị được nhân sự thì tại đại hội có thể bầu thiếu số lượng, sau đại hội sẽ xem xét, bổ sung.

2.2. Quy trình chuẩn bị nhân sự:

2.2.1. Rà soát quy hoạch cấp ủy

– Cấp ủy các chi, đảng bộ hoàn thành việc rà soát, bổ sung quy hoạch cấp ủy, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp ủy và ủy viên ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra (đối với đảng ủy cơ sở) nhiệm kỳ mới theo Kế hoạch số 200-KH/ĐUK, ngày 17/6/2024 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối.

– Các cấp ủy cơ sở rà soát, báo cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Khối xem xét, kết luận tiêu chuẩn chính trị những nhân sự có vấn đề về chính trị trước ngày 30/11/2024 hoặc có đơn, thư khiếu nại, tố cáo (có danh) trước thời gian tổ chức đại hội ít nhất 25 ngày làm việc.

2.2.2. Xây dựng đề án nhân sự và số dư

* Cấp ủy các tổ chức đảng xây dựng đề án nhân sự nhiệm kỳ 2025 – 2030 (theo Mẫu 3) cần tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

– Tổng kết công tác nhân sự nhiệm kỳ 2020 – 2025, trong đó tập trung đánh giá tình hình, bối cảnh; kết quả, ưu điểm, hạn chế, nguyên nhân, rút ra bài học kinh nghiệm và đề ra biện pháp khắc phục trong nhiệm kỳ tới.

– Đề án nhân sự bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện của cấp ủy và cơ cấu tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số cho phù hợp.

– Việc xây dựng đề án nhân sự cần phải được thảo luận dân chủ, phát huy trí tuệ tập thể và tạo sự đoàn kết, thống nhất cao trong cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy. Trường hợp trong thảo luận nhân sự, nếu ý kiến của ban thường vụ cấp ủy khác với biểu quyết của cấp ủy, thì ban thường vụ cấp ủy phải báo cáo, xin ý kiến của Đảng ủy Khối.

– Không sử dụng thông tin giả, thông tin không phải của cơ quan có thẩm quyền, thông tin không chính thức trên Internet, mạng xã hội, thông tin, dư luận xấu chưa được kiểm chứng để làm cơ sở xem xét trong quá trình chuẩn bị nhân sự đại hội.

* Đối với Đảng ủy cơ sở: xây dựng đề án nhân sự ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở nhiệm kỳ 2025 – 2030 (theo Mẫu 4).

* Về số dư: Danh sách nhân sự cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, ủy ban kiểm tra nhiệm kỳ 2025 – 2030 do cấp ủy triệu tập đại hội thảo luận, quyết định có số dư từ 10 – 15% so với tổng số cấp ủy viên, ủy viên ban thường vụ, ủy viên ủy ban kiểm tra cấp ủy theo quy định. Đối với những nơi có số lượng từ 3 – 5 ủy viên thì số dư tối đa là 01 đồng chí. Nếu kết quả giới thiệu chưa đạt tỷ lệ số dư đã được cấp ủy thông qua thì cấp ủy tiếp tục thực hiện quy trình giới thiệu cho đến khi bảo đảm số dư theo quy định. Trường hợp ở cuối danh sách giới thiệu có từ 02 người trở lên cùng có số phiếu giới thiệu bằng nhau thì người đứng đầu cấp ủy lựa chọn nhân sự để đưa vào danh sách giới thiệu với đại hội.

2.2.3- Chuẩn bị nhân sự

a. Nhân sự cấp ủy: Gồm nhân sự lần đầu tham gia cấp ủy và nhân sự tái cử cấp ủy, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp ủy. Sau khi xác định được số lượng các đồng chí tái cử mới tiếp tục thực hiện quy trình nhân sự đối với các đồng chí lần đầu tham gia cấp ủy, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp ủy (quy trình thực hiện cụ thể theo Phụ lục 1).

b. Nhân sự ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở:

– Thực hiện quy trình nhân sự đối với các đồng chí tái cử ủy ban kiểm tra cấp ủy trước; sau khi xác định được số lượng các đồng chí tái cử, thì tiếp tục thực hiện quy trình nhân sự đối với các đồng chí lần đầu tham gia ủy ban kiểm tra cấp ủy (thực hiện theo Phụ lục 2).

– Số lượng ủy viên ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở từ 3 – 5 đồng chí (do đảng ủy cơ sở quyết định). Ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở có chủ nhiệm và phó chủ nhiệm, trong đó đồng chí phó bí thư hoặc ủy viên ban thường vụ làm chủ nhiệm; trường hợp không có ban thường vụ cấp ủy thì đồng chí phó bí thư làm chủ nhiệm; phó chủ nhiệm là cấp ủy viên hoặc đảng viên chính thức.

c. Nhân sự đại biểu dự đại hội đại biểu đảng bộ cấp trên:

– Trên cơ sở số lượng đại biểu được cấp ủy cấp trên trực tiếp phân bổ cho chi, đảng bộ mình; cấp ủy chi, đảng bộ có trách nhiệm chuẩn bị nhân sự để báo cáo cấp ủy cấp trên trực tiếp và trình đại hội xem xét.

– Danh sách bầu cử đại biểu đi dự đại hội cấp trên do đại hội quyết định (việc bầu cử thực hiện theo Quy chế bầu cử trong Đảng).

2.3. Báo cáo cấp ủy cấp trên trực tiếp cho ý kiến về đề án nhân sự

Các cấp ủy cơ sở báo cáo về Đảng ủy Khối gồm những tài liệu sau:

– Đề án nhân sự cấp ủy, Đề án nhân sự UBKT (nếu có);

– Danh sách cấp ủy viên không tái cử (theo Mẫu 5);

– Danh sách nhân sự giới thiệu tham gia cấp ủy, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư và ủy ban kiểm tra khóa mới (theo Mẫu 6A);

– Danh sách nhân sự giới thiệu bầu đại biểu dự đại hội đại biểu Đảng bộ Khối cơ quan và doanh nghiệp tỉnh nhiệm kỳ 2025 – 2030 (theo Mẫu 6B).

Nếu cấp ủy cấp trên trực tiếp có ý kiến chỉ đạo khác thì cấp ủy triệu tập hội nghị chi bộ, đảng ủy để tiếp thu, thảo luận và điều chỉnh đề án, phương án nhân sự, đồng thời báo cáo lại kết quả cho cấp ủy cấp trên trực tiếp cho ý kiến.

Đối với các chi bộ trực thuộc đảng ủy bộ phận thì báo cáo cho đảng ủy bộ phận, đảng ủy bộ phận báo cáo đảng ủy cơ sở xem xét, cho ý kiến.

3. Chuẩn bị các văn bản phục vụ công tác điều hành đại hội

Cấp ủy các chi bộ, đảng bộ tổ chức đại hội phải chuẩn bị đầy đủ các văn bản phục vụ công tác điều hành đại hội:

Chương trình đại hội;

Nội quy đại hội;

Thể lệ bầu cử trong đại hội;

Báo cáo tình hình đảng viên (hoặc đại biểu) tham dự đại hội;

Văn bản điều hành chi tiết của đoàn chủ tịch;

Báo cáo công tác nhân sự kèm theo danh sách trích ngang nhân sự cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy (nếu có), bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở; nhân sự đoàn đại biểu dự Đại hội đại biểu cấp trên trực tiếp (nếu có);

Phát biểu của trưởng ban kiểm phiếu, văn bản điều hành chi tiết của trưởng ban kiểm phiếu;

Biên bản kiểm phiếu;

– Các loại phiếu bầu có đóng dấu của cấp ủy (đối với đảng bộ bộ phận, chi bộ trực thuộc đảng bộ bộ phận, chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở thì phiếu bầu phải được đóng dấu của đảng ủy cơ sở).

Phiếu giới thiệu nhân sự bí thư (đối với những đảng bộ cơ sở thí điểm việc bầu trực tiếp chức danh bí thư).

VI. TỔ CHỨC ĐẠI HỘI

1. Cách tính nhiệm kỳ đại hội

Thực hiện theo điểm 12, Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 28/9/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, cụ thể:

– Đối với đại hội đảng bộ, chi bộ tiến hành theo nhiệm kỳ, thực hiện đầy đủ các nội dung mà Điều lệ Đảng quy định thì nhiệm kỳ được tính theo thời điểm tiến hành đại hội. Số thứ tự đại hội tiếp nối theo thứ tự các nhiệm kỳ trước.

– Những đảng bộ, chi bộ do chia tách, sáp nhập thì cách tính số thứ tự nhiệm kỳ đại hội là số thứ tự đại hội qua các thời kỳ lịch sử (kể cả thời gian chia tách, sáp nhập) cộng thêm nhiệm kỳ hiện tại; đảng bộ, chi bộ được thành lập mới thì tính theo nhiệm kỳ mới. Cụ thể:

+ Một đảng bộ, chi bộ được tách làm hai thì hai đảng bộ, chi bộ mới được tính nhiệm kỳ liên tiếp như nhau.

+ Một đảng bộ, chi bộ được thành lập mới, hoặc được thành lập từ nhiều đơn vị khác nhau thì tính nhiệm kỳ đầu tiên.

– Đảng bộ cơ sở mới được nâng cấp thì tính nhiệm kỳ liên tiếp.

2. Trang trí trong đại hội: Thực hiện theo điểm 14.3, Hướng dẫn số 01 – HD/TW, ngày 28/9/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Công văn số 9743-CV/BTGTW, ngày 16/10/2024 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc trang trí khánh tiết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030 (Phụ lục 3).

3. Quy trình tổ chức đại hội

Thực hiện theo điểm 14, Hướng dẫn số 01-HD/TW, ngày 28/9/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, cụ thể như sau:

Đại hội có thể tiến hành hai phiên: Phiên trù bị và phiên chính thức.

Phiên trù bị thực hiện các nội dung: Bầu đoàn chủ tịch, đoàn thư ký, ban thẩm tra tư cách đại biểu (nếu là đại hội đại biểu), thông qua nội quy, chương trình làm việc của đại hội, quy chế bầu cử trong Đảng, quy chế làm việc, hướng dẫn sinh hoạt của đại biểu, thảo luận văn kiện của cấp trên.

Phiên chính thức thực hiện những nội dung quy định tại các Điều 18 và Điều 22 Điều lệ Đảng.

* Các bước tiến hành Đại hội: Thực hiện theo điểm 14.4, Hướng dẫn số 01-HD/TW, ngày 28/9/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, cơ bản các bước như sau:

– Chào cờ (hát Quốc ca, Quốc tế ca).

– Bầu đoàn chủ tịch, đoàn thư ký, ban thẩm tra tư cách đại biểu (nếu đã bầu ở phiên trù bị thì mời lên làm việc).

– Diễn văn khai mạc, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu.

– Đoàn Thanh niên tặng hoa và phát biểu chúc mừng Đại hội (nếu có).

– Báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu (ở đại hội đảng viên báo cáo tình hình đảng viên tham dự đại hội).

– Thông qua chương trình làm việc của đại hội, nội quy đại hội, thể lệ bầu cử (nếu đã thực hiện ở phiên trù bị thì không thực hiện lại ở phiên chính thức).

– Trình bày báo cáo chính trị.

– Trình bày báo cáo kiểm điểm của ban chấp hành trong nhiệm kỳ.

– Thảo luận báo cáo chính trị và văn kiện của cấp trên.

– Phát biểu của đại diện cấp ủy cấp trên (tùy điều kiện cụ thể để bố trí trình tự cho phù hợp).

– Thực hiện việc bầu cử (bầu ban kiểm phiếu và thực hiện các nội dung theo quy trình bầu cử).

– Biểu quyết thông qua dự thảo nghị quyết đại hội.

– Bế mạc (hát Quốc ca, Quốc tế ca).

Ngoài ra, việc thực hiện trang trí khánh tiết đại hội, nghi lễ chào cờ, trang trí phông chính đại hội, sử dụng cờ Đảng,… thực hiện theo quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng và hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng[1].

VII. VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC BẦU CỬ TRONG ĐẠI HỘI

Việc bầu cử ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra và chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra cấp ủy và bầu đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên thực hiện theo Quy chế bầu cử trong Đảng (ban hành theo Quyết định số 190-QĐ/TW, ngày 10/10/2024 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng). Cụ thể như sau:

1. Bầu cấp ủy

– Đoàn chủ tịch đại hội báo cáo với đại hội về yêu cầu, tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng của cấp uỷ khoá mới do cấp uỷ cấp triệu tập đại hội chuẩn bị; đại hội thảo luận về yêu cầu, tiêu chuẩn, cơ cấu cấp uỷ khoá mới, biểu quyết về số lượng cấp uỷ viên (theo sự chỉ đạo và hướng dẫn của cấp ủy cấp trên về khung số lượng cấp ủy viên).

– Đoàn chủ tịch đại hội đề cử danh sách nhân sự do cấp ủy cấp triệu tập đại hội chuẩn bị.

– Hướng dẫn việc ứng cử, đề cử.

– Đoàn chủ tịch tổng hợp danh sách những người ứng cử, được đề cử, đề xuất những trường hợp được rút và không được rút khỏi danh sách bầu cử, báo cáo đại hội xem xét, quyết định.

Lấy phiếu xin ý kiến của đại hội đối với các trường hợp ứng cử, được đề cử.

– Lập danh sách bầu cử; lấy biểu quyết của đại hội thông qua số lượng và danh sách bầu cử.

– Sau khi thống nhất danh sách bầu cử, tiến hành bầu cử.

– Bầu lần thứ nhất chưa đủ số lượng cấp ủy khoá mới, có bầu tiếp hoặc không bầu tiếp do đại hội xem xét, quyết định. Danh sách bầu cử lần sau phải có số dư lấy theo kết quả bầu cử lần trước từ cao đến thấp của những người chưa trúng cử.

2. Bầu ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra cấp ủy

a- Đối với đại hội chi bộ

Sau khi có kết quả bầu cấp ủy, đại hội tiến hành bầu cử chức danh bí thư, phó bí thư trong số chi ủy viên; nơi không bầu chi ủy thì chi bộ bầu bí thư, nếu cần thì bầu một phó bí thư chi bộ.

b- Đối với đại hội đảng bộ

* Cấp ủy khóa mới bầu ban thường vụ:

– Cấp ủy khóa mới căn cứ kết quả bầu cử cấp ủy của đại hội, nghiên cứu danh sách nhân sự ban thường vụ khóa mới do cấp ủy triệu tập đại hội giới thiệu và tiến hành bầu cử theo Quy chế bầu cử trong Đảng.

– Sau lần bầu đầu tiên, nếu chưa đủ số lượng ủy viên ban thường vụ cần bầu, có bầu tiếp cho đủ số lượng hay không do cấp ủy thảo luận, quyết định hoặc có thể bầu bổ sung trong các phiên họp lần sau của cấp ủy.

* Cấp ủy khóa mới bầu bí thư, phó bí thư cấp ủy:

Cấp ủy khoá mới họp tiếp thu ý kiến chỉ đạo của cấp ủy cấp trên và sự giới thiệu của cấp ủy triệu tập đại hội về nhân sự bí thư, phó bí thư cấp ủy khoá mới, thảo luận và tiến hành bầu cử chức danh bí thư, phó bí thư cấp ủy trong số cấp ủy, ủy viên ban thường vụ mới trúng cử theo Quy chế bầu cử trong Đảng.

* Bầu ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở:

– Cấp ủy khóa mới nghiên cứu dự kiến giới thiệu của cấp ủy triệu tập đại hội về nhân sự ủy ban kiểm tra của cấp ủy khóa mới, thảo luận và tiến hành bầu ủy ban kiểm tra theo Quy chế bầu cử trong Đảng; bầu ủy viên ủy ban kiểm tra trước, sau đó bầu chủ nhiệm ủy ban kiểm tra trong số ủy viên ủy ban kiểm tra.

– Cấp ủy mới được bầu chỉ đạo ủy ban kiểm tra cấp ủy khoá mới họp bầu phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra.

* Lưu ý:

– Sau khi được bầu, bí thư điều hành ngay công việc của cấp ủy khóa mới, được ký văn bản với chức danh bí thư. Trường hợp chưa bầu được chức danh bí thư thì cấp ủy khóa mới thống nhất phân công một đồng chí phó bí thư ký các văn bản với chức danh phó bí thư.

– Sau khi được bầu, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra điều hành ngay công việc của ủy ban kiểm tra khoá mới, được ký các văn bản với chức danh chủ nhiệm ủy ban kiểm tra.

– Đối với đại hội đảng bộ cơ sở thực hiện thí điểm việc bầu trực tiếp chức danh bí thư thì sau khi bầu cử cấp ủy, tiến hành lấy phiếu giới thiệu của đảng viên hoặc đại biểu của đại hội đối với chức danh bí thư (theo Mẫu phiếu 5); tổng hợp phiếu giới thiệu, báo cáo với cấp ủy cấp trên (thông qua đồng chí đại diện cấp ủy cấp trên dự và chỉ đạo đại hội) trước khi tiến hành bầu cử chức danh bí thư. Sau khi cấp ủy cấp trên có ý kiến chỉ đạo mới tiến hành bầu cử chức danh bí thư.

– Trường hợp nhân sự dự kiến bầu làm bí thư, phó bí thư cấp ủy cơ sở trong đề án nhân sự đã được xem xét, thông qua không trúng cử cấp ủy hoặc ban thường vụ cấp ủy khóa mới; thì cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy khóa mới tạm dừng việc bầu cử và phải kịp thời báo cáo xin ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối (thông qua đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối trực tiếp dự và chỉ đạo đại hội); sau khi có ý kiến chỉ đạo mới tiếp tục chuẩn bị và triển khai phương án bầu cử nhân sự theo quy định.

– Trường hợp nhân sự được dự kiến giới thiệu để bầu giữ chức vụ chủ nhiệm ủy ban kiểm tra không trúng cử vào cấp ủy, ban thường vụ hoặc ủy ban kiểm tra cấp ủy, thì cấp ủy hoặc ban thường vụ cấp ủy khóa mới báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối (thông qua đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối trực tiếp dự và chỉ đạo đại hội); sau khi có ý kiến chỉ đạo mới tiếp tục chuẩn bị và triển khai phương án bầu cử nhân sự theo quy định.

3. Bầu đại biểu dự đại hội đại biểu cấp trên

Đại biểu dự đại hội đảng bộ các cấp gồm các cấp ủy viên cấp triệu tập đại hội, các đại biểu do đại hội cấp dưới bầu (thực hiện ngay sau khi công bố kết quả bầu cử cấp ủy nhiệm kỳ mới) và đại biểu do chỉ định theo quy định của Điều lệ Đảng.

– Đoàn chủ tịch đại hội có trách nhiệm:

+ Hướng dẫn để đại hội thảo luận, quán triệt tiêu chuẩn, số lượng, cơ cấu đại biểu dự đại hội cấp trên.

+ Hướng dẫn việc ứng cử, đề cử đại biểu đi dự đại hội cấp trên.

+ Tổng hợp danh sách những người ứng cử, đề cử và những người xin rút; xem xét, quyết định cho một số người được rút hoặc không được rút khỏi danh sách bầu cử; trường hợp còn nhiều ý kiến chưa thống nhất thì Đoàn chủ tịch xin ý kiến quyết định của đại hội; lập danh sách bầu cử, lấy biểu quyết của đại hội thông qua danh sách bầu cử.

– Trình tự bầu cử đại biểu dự đại hội đại biểu cấp trên cụ thể như sau: Khi bầu đại biểu dự đại hội đại biểu đảng bộ cấp trên, danh sách bầu đại biểu chính thức và dự khuyết được lập chung một danh sách; bầu đại biểu chính thức trước, số còn lại bầu đại biểu dự khuyết. Trường hợp bầu đại biểu chính thức đã đủ số lượng mà vẫn còn một số đại biểu có số phiếu được bầu nhiều hơn một nửa so với số đảng viên được triệu tập hoặc nhiều hơn một nửa so với số đại biểu được triệu tập, thì đại biểu dự khuyết được lấy trong số các đại biểu đó theo kết quả được bầu từ cao xuống thấp. Nếu còn thiếu đại biểu dự khuyết theo quy định, có bầu tiếp hay không bầu tiếp do đại hội quyết định. Danh sách bầu cử lần sau có giới thiệu bổ sung đại biểu ngoài danh sách bầu cử lần trước hay không do đại hội quyết định.

VIII. CÁC CÔNG VIỆC SAU ĐẠI HỘI

1. Đề nghị chuẩn y kết quả bầu cử

Chậm nhất 07 ngày làm việc sau đại hội, cấp ủy các chi, đảng bộ phải gửi hồ sơ đề nghị đảng ủy cấp trên trực tiếp xem xét, chuẩn y kết quả bầu cử cấp ủy, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra, chủ nhiệm, phó chủ nhiệm ủy ban kiểm tra đảng ủy.

* Hồ sơ đề nghị chuẩn y kết quả bầu cử gồm:

– Tờ trình đề nghị chuẩn y kết quả bầu cử;

– Các biên bản kiểm phiếu;

– Danh sách trích ngang cấp ủy, ủy viên ban thường vụ, bí thư, phó bí thư, ủy ban kiểm tra nhiệm kỳ mới (theo Mẫu 7).

2. Chế độ báo cáo sau đại hội

2.1. Sau đại hội chậm nhất 07 ngày làm việc, các chi, đảng bộ báo cáo kết quả đại hội về đảng ủy cấp trên trực tiếp (đối với các chi bộ trực thuộc đảng ủy bộ phận thì báo cáo cho đảng ủy bộ phận và đảng ủy cơ sở).

* Hồ sơ báo cáo kết quả đại hội về Đảng ủy Khối (qua Ban Tổ chức Đảng ủy Khối) gồm các tài liệu sau:

– Báo cáo kết quả đại hội (theo Mẫu 8);

– Nghị quyết đại hội; báo cáo chính trị (đã được chỉnh sửa hoàn chỉnh sau Đại hội);

– Biên bản đại hội;

– Danh sách trích ngang đại biểu tham dự Đại hội đại biểu Đảng bộ Khối (theo Mẫu 9).

2.2. Chậm nhất 05 ngày làm việc sau khi kết thúc đại hội đảng bộ bộ phận, chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở và các chi bộ trực thuộc đảng ủy bộ phận, đảng ủy cơ sở báo cáo kết quả (theo Mẫu 10Mẫu 11) về Đảng ủy Khối (qua Ban Tổ chức Đảng ủy).

2.3. Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả bầu cử của chi, đảng bộ trực thuộc, cấp ủy có thẩm quyền chuẩn y kết quả đại hội của chi, đảng bộ trực thuộc (nếu không có khiếu nại, tố cáo về kết quả bầu cử). Việc chuẩn y kết quả bầu cử tại đại hội các chi bộ trực thuộc, đảng ủy bộ phận do đảng ủy cơ sở thực hiện.

* Lưu ý: Cấp ủy cơ sở gửi kèm file của các Mẫu 7, Mẫu 8, Mẫu 9, Mẫu 10 và Mẫu 11 về Ban Tổ chức Đảng ủy Khối (qua email: nganhtrung@gmail.com).

3. Phân công công tác, xây dựng quy chế làm việc, kế hoạch thực hiện nghị quyết đại hội

– Đồng chí bí thư cấp ủy hoặc ban thường vụ cấp ủy chuẩn bị, dự kiến phân công cấp ủy viên theo từng lĩnh vực công tác của chi, đảng bộ để trình ra hội nghị cấp ủy cho ý kiến, sau đó thông báo cho đảng viên và các chi bộ trực thuộc biết.

– Cấp ủy tiến hành xây dựng quy chế làm việc trong nhiệm kỳ của chi bộ, đảng ủy phù hợp với tình hình thực tế.

– Cấp ủy khóa mới xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nghị quyết đại hội cho cả nhiệm kỳ.

– Cấp ủy khóa mới, ủy ban kiểm tra đảng ủy cơ sở xây dựng kế hoạch kiểm tra, giám sát nhiệm kỳ 2025 – 2030.

IX. MỘT SỐ NỘI DUNG KHÁC

1. Các cấp ủy phải báo cáo kết quả việc chuẩn bị nội dung, nhân sự và dự kiến thời gian đại hội cấp mình với cấp ủy cấp trên trực tiếp ít nhất 20 ngày làm việc để cho ý kiến và khi được cấp trên đồng ý mới tiến hành đại hội. Trong quá trình chuẩn bị, các cấp ủy cần rà soát giải quyết những vấn đề tồn tại, bức xúc tại các chi, đảng bộ trực thuộc (nếu có); nếu có vướng mắc phản ánh kịp thời về Ban Thường vụ Đảng ủy Khối để hướng dẫn, giải quyết.

2. Trước thời gian tổ chức đại hội 07 ngày làm việc, cấp ủy gửi giấy mời tham dự và các tài liệu đại hội cho đảng ủy cấp trên (đối với các chi bộ trực thuộc đảng bộ bộ phận thì báo cáo cho đảng ủy bộ phận và đảng ủy cơ sở); các tài liệu gồm:

– Chương trình đại hội;

– Văn bản điều hành chi tiết;

– Dự thảo Báo cáo chính trị;

– Dự thảo Nghị quyết đại hội;

– Đề án nhân sự đã được cấp ủy cấp trên thống nhất.

3. Các chi bộ, đảng bộ cơ sở đảm bảo các điều kiện vật chất phục vụ đại hội, cần chú ý đến hình thức tổ chức đại hội tiết kiệm nhưng trang nghiêm và chu đáo; làm tốt công tác chính trị, tư tưởng, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền gắn với các phong trào thi đua yêu nước, lập thành tích chào mừng đại hội đảng bộ các cấp và kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2025.

4. Về kinh phí tổ chức đại hội: Thực hiện theo Quy định số 1890-QĐ/TU, ngày 22/10/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chế độ chi tổ chức đại hội đảng bộ các cấp trên địa bàn tỉnh, nhiệm kỳ 2025 – 2030.

5. Hệ thống các văn bản, biểu mẫu, hướng dẫn nghiệp vụ liên quan đến công tác tổ chức đại hội cấp cơ sở đã được Ban Thường vụ Đảng ủy Khối cập nhật, cụ thể hóa trên ứng dụng Sổ tay điện tử nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng ở cơ sở, tại địa chỉ //stdt.danguykhoibinhthuan.vn. Ngoài ra, các cấp ủy cũng có thể tương tác với Trợ lý ảo DUKAI để được hỗ trợ, tư vấn các vấn đề liên quan đến công tác tổ chức đại hội ở cơ sở.

 

[1] Quy định số 99-QĐ/TW, ngày 27/02/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về cờ Đảng Cộng sản Việt Nam và việc sử dụng cờ Đảng; Công văn số 9743-CV/BTGTW, ngày 16/10/2024 của Ban Tuyên giáo Trung ương về việc trang trí khánh tiết đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 – 2030; Công văn số 8355-CV/BTCTW, ngày 01/4/2020 của Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng về việc hướng dẫn một số nội dung liên quan tới nghi lễ và tuyên truyền đại hội đảng bộ các cấp và các văn bản quy định hiện hành khác.

Sổ tay điện tử – ĐUK Bình Thuận

0