Trợ lý ảo hỗ trợ công tác xây dựng Đảng

Docly Child

Quy chế bầu cử tại đại hội chi bộ

Ước tính thời gian nghiên cứu: 21 phút 5280 lượt xem

ĐẠI HỘI CHI BỘ ……………………………
LẦN THỨ…, NHIỆM KỲ …

*

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

 

 

THỂ LỆ BẦU CỬ

TRONG ĐẠI HỘI CHI BỘ ……………………….

LẦN THỨ…………, NHIỆM KỲ ………..

Điều 1. Nguyên tắc bầu cử (theo Điều 2, Quy chế bầu cử trong Đảng)

Việc bầu cử trong Đảng thực hiện theo nguyên tắc tập trung dân chủ; bình đẳng, trực tiếp, đa số quá bán. Kết quả bầu cử từ chi bộ đến đảng bộ trực thuộc Trung ương phải được chuẩn y của cấp ủy có thẩm quyền theo quy định.

Điều 2. Hình thức bầu cử (theo Điều 3, Quy chế bầu cử trong Đảng)

1- Bỏ phiếu kín thực hiện trong các trường hợp:

– Bầu chi ủy, bầu bí thư, phó bí thư chi bộ.

– Bầu đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên (nếu không có thực hiện thì không cần đưa nội dung này vào).

– Lấy phiếu xin ý kiến về các ứng cử viên để đưa vào danh sách bầu cử.

 2- Biểu quyết giơ tay (sử dụng thẻ đảng viên để biểu quyết) thực hiện trong các trường hợp:

– Bầu các cơ quan điều hành, giúp việc đại hội (đoàn chủ tịch đại hội, đoàn thư ký, ban thẩm tra tư cách đại biểu, ban kiểm phiếu…).

– Thông qua số lượng và danh sách bầu cử.

Điều 3. Nhiệm vụ của đoàn chủ tịch, chủ tịch đại hội (theo Điều 5, Quy chế bầu cử trong Đảng)

1- Điều hành việc bầu cử.

2- Hướng dẫn để đại hội thảo luận, quán triệt tiêu chuẩn cấp ủy viên, số lượng, cơ cấu cấp ủy; tiêu chuẩn, số lượng, cơ cấu đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên (nếu không có thực hiện thì không cần đưa nội dung này vào).

3- Đề cử danh sách nhân sự do cấp ủy triệu tập đại hội chuẩn bị. Hướng dẫn việc ứng cử, đề cử.

4- Tổng hợp danh sách những người ứng cử, được đề cử; đề xuất những trường hợp được rút và không được rút khỏi danh sách bầu cử, báo cáo đại hội xem xét, quyết định.

5- Lấy phiếu xin ý kiến của đại hội đối với những người ứng cử, được đề cử. Lập danh sách bầu cử, lấy biểu quyết của đại hội thông qua số lượng và danh sách bầu cử.

6- Giới thiệu danh sách ban kiểm phiếu, trưởng ban kiểm phiếu để đại hội biểu quyết. Chỉ đạo hoạt động của ban kiểm phiếu, phổ biến quy tắc, thủ tục bầu cử trong đại hội.

7- Giải đáp những ý kiến của đại biểu về nhân sự trong quá trình chuẩn bị bầu cử.

8- Bảo đảm sự lãnh đạo của cấp uỷ cấp trên trực tiếp và chỉ đạo thực hiện đúng đề án nhân sự ban thường vụ cấp uỷ, bí thư, phó bí thư cấp uỷ đã được cấp có thẩm quyền thông qua cho đến khi bầu được ban thường vụ, bí thư, phó bí thư cấp uỷ khoá mới.

 Điều 4. Nhiệm vụ của đoàn thư ký, thư ký đại hội(theo Điều 6, Quy chế bầu cử trong Đảng)

1- Ghi biên bản tổng hợp ý kiến thảo luận, dự thảo các văn bản kết luận, nghị quyết của đoàn chủ tịch, của đại hội liên quan đến bầu cử.

2- Giúp đoàn chủ tịch tổng hợp kết quả ứng cử, đề cử phục vụ cho việc lập danh sách bầu cử trước khi đại hội bầu ban kiểm phiếu.

3- Quản lý và phát tài liệu, ấn phẩm của đại hội theo sự chỉ đạo của đoàn chủ tịch. Thu nhận, bảo quản và gửi đến cấp ủy khóa mới đầy đủ hồ sơ, tài liệu, ấn phẩm của đại hội.

Điều 5. Ban kiểm phiếu (theo Điều 8, Quy chế bầu cử trong Đảng)

1- Ban kiểm phiếu là cơ quan giúp việc bầu cử của đại hội do đoàn chủ tịch giới thiệu, đại hội biểu quyết thông qua. Ban kiểm phiếu gồm một số đảng viên chính thức trong đại hội không có tên trong danh sách bầu cử.

Số lượng ban kiểm phiếu ở đại hội các cấp do đoàn chủ tịch đại hội lựa chọn, giới thiệu; đại hội biểu quyết thông qua.

2- Ban kiểm phiếu có nhiệm vụ:

– Hướng dẫn cách thức bỏ phiếu, kiểm tra, niêm phong thùng phiếu, phát phiếu trực tiếp cho đại biểu (hoặc theo đoàn đại biểu), kiểm số phiếu phát ra và phiếu thu về báo cáo đại hội, kiểm phiếu bầu.

– Xem xét và kết luận về các phiếu không hợp lệ và những ý kiến khiếu nại về việc bầu cử trong đại hội.

– Lập biên bản kiểm phiếu báo cáo với đoàn chủ tịch và công bố kết quả bầu cử; ký vào biên bản bầu cử, niêm phong phiếu bầu và chuyển cho đoàn chủ tịch đại hội để bàn giao cho cấp ủy khoá mới lưu trữ theo quy định.

Ngoài ban kiểm phiếu, không ai được đến nơi ban kiểm phiếu đang làm việc.

Điều 6. Ứng cử (theo Điều 9 – Quy chế bầu cử trong Đảng)

1- Đảng viên chính thức ứng cử trực tiếp tại đại hội hoặc gửi đơn tới đoàn chủ tịch đại hội.

2- Cấp ủy ứng cử để được bầu làm bí thư, phó bí thư chi bộ.

3- Chỉ đảng viên chính thức mới được ứng cử ở đại hội để đại hội bầu làm đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên (nếu không thực hiện nội dung bầu đại biểu đi dự đại hội đảng bộ cấp trên thì không cần đưa nội dung này vào)..

 4- Cấp ủy viên cấp triệu tập đại hội không được ứng cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của cấp ủy.

Điều 7. Đề cử (theo Điều 10 – Quy chế bầu cử trong Đảng)

1- Đoàn Chủ tịch đại hội đề cử danh sách nhân sự do cấp ủy triệu tập đại hội chuẩn bị, bao gồm cả danh sách nhân sự để đại hội bầu làm đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên (nếu không thực hiện nội dung bầu đại biểu đi dự đại hội đảng bộ cấp trên thì không cần đưa nội dung này vào).

2- Đảng viên chính thức, đảng viên sinh hoạt tạm thời và đảng viên dự bị có quyền đề cử đảng viên chính thức trong chi bộ mình bằng hình thức đề cử trực tiếp hoặc bằng văn bản gửi đoàn chủ tịch để đại hội bầu vào cấp hoặc bầu ủy làm đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên (nếu không thực hiện nội dung bầu đại biểu đi dự đại hội đảng bộ cấp trên thì không cần đưa nội dung này vào).

3- Cấp ủy viên đề cử cấp ủy viên khác để được bầu làm bí thư, phó bí thư.

4- Cấp ủy viên cấp triệu tập đại hội không được đề cử nhân sự ngoài danh sách do cấp ủy triệu tập đại hội đề cử, không được nhận đề cử nếu không có tên trong danh sách đề cử của cấp ủy triệu tập đại hội.

Điều 8. Quyền bầu cử (theo Điều 13 – Quy chế bầu cử trong Đảng)

Chỉ đảng viên chính thức của đại hội mới có quyền bầu cấp ủy và bầu đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên (nếu có).

Điều 9. Quy định về số dư và danh sách bầu cử (theo Điều 14 – Quy chế bầu cử trong Đảng)

1- Số lượng ứng cử viên trong danh sách bầu cử cấp ủy phải nhiều hơn số lượng cần bầu; số dư tối đa do đại hội quyết định nhưng không quá 30% số lượng cần bầu, trong đó cấp ủy triệu tập đại hội chuẩn bị số lượng nhân sự cấp ủy khóa mới có số dư từ 10% – 15%.

2- Danh sách ứng cử viên do cấp ủy chuẩn bị là danh sách đề cử chính thức với đại hội.

3- Đại hội thảo luận và biểu quyết lập danh sách như sau:

3.1- Trường hợp danh sách ứng cử viên để bầu cấp ủy khóa mới được lập sau khi thực hiện ứng cử, đề cử mà chưa đủ số dư 30% so với số lượng cần bầu thì đại hội quyết định (có thể lấy danh sách đó làm danh sách bầu cử).

3.2- Trường hợp danh sách ứng cử viên để bầu cấp ủy khóa mới được lập sau khi thực hiện ứng cử, đề cử nhiều hơn 30% so với số lượng cần bầu thì xin ý kiến đại hội về những người được đảng viên trong đại hội đề cử và người ứng cử.

Căn cứ kết quả xin ý kiến, lựa chọn theo số phiếu đồng ý từ cao đến thấp để lập danh sách bầu cử có số dư tối đa không quá 30% so với số lượng cần bầu.

Trường hợp danh sách bầu cử đã đủ số dư 30% mà ở cuối danh sách có nhiều người có số phiếu bằng nhau thì đại hội (hội nghị) xem xét, quyết định lựa chọn theo cơ cấu, tuổi đảng, hoặc có thể để số dư cao hơn 30% so với số lượng cần bầu.

4- Danh sách bầu cử xếp thứ tự tên người theo vần A,B,C…; nếu có nhiều người trùng tên thì xếp theo họ; nếu trùng cả họ thì xếp theo tên đệm; nếu cả 3 dữ kiện này đều trùng thì người có tuổi đảng cao hơn được xếp tên trên.

5- Nếu bầu một lần chưa đủ số lượng quy định, có bầu tiếp hay không do đại hội quyết định. Danh sách bầu cử lần sau phải có số dư lấy theo kết quả bầu cử lần trước từ cao đến thấp của những người chưa trúng cử.

Trường hợp cần bầu lấy số lượng 1 người thì danh sách bầu cử là 2 người; bầu lấy số lượng 2 người thì danh sách bầu cử là 3 người; bầu lấy số lượng từ 3 người trở lên thì danh sách bầu cử có số dư tối đa không quá 1/3 số lượng cần bầu.

Điều 10. Trình tự thủ tục bầu cử (theo Điều 17, Điều 18, Điều 19 và Điều 21 – Quy chế bầu cử trong Đảng)

1. Bầu cấp uỷ

– Đoàn chủ tịch đại hội báo cáo với đại hội về yêu cầu, tiêu chuẩn, cơ cấu, số lượng của cấp ủy khoá mới do cấp ủy cấp triệu tập đại hội chuẩn bị; đại hội thảo luận về yêu cầu, tiêu chuẩn, cơ cấu cấp ủy khóa mới, biểu quyết về số lượng cấp ủy viên.

– Thực hiện ứng cử, đề cử (theo Điều 6 và Điều 7).

– Đoàn chủ tịch tổng hợp danh sách những người ứng cử, được đề cử, đề xuất những trường hợp được rút và không được rút khỏi danh sách bầu cử, báo cáo đại hội xem xét, quyết định. Lấy phiếu xin ý kiến của đại hội đối với các trường hợp ứng cử, được đề cử (nếu cần).

– Lập danh sách bầu cử; lấy biểu quyết của đại hội thông qua số lượng và danh sách bầu cử.

– Lập ban kiểm phiếu, ban kiểm phiếu hướng dẫn việc bỏ phiếu (theo Điều 5).

– Tiến hành bầu cử.

– Bầu lần thứ nhất chưa đủ số lượng cấp ủy khoá mới, có bầu tiếp hoặc không bầu tiếp do đại hội xem xét, quyết định.

– Đại hội chi bộ trực tiếp bầu chi uỷ, sau đó bầu bí thư, phó bí thư trong số chi ủy viên; nơi không bầu chi ủy thì chi bộ bầu bí thư, nếu cần thì bầu phó bí thư chi bộ.

2. Bầu bí thư, phó bí thư cấp uỷ

Những đồng chí ứng cử hoặc được đề cử vào danh sách để bầu giữ chức vụ bí thư, phó bí thư phải là những đồng chí đã trúng cử cấp ủy viên; trình tự thủ tục bầu tương tự như bầu cấp ủy.

3. Bầu đại biểu dự đại hội đảng bộ cấp trên (nếu không thực hiện nội dung bầu đại biểu đi dự đại hội đảng bộ cấp trên thì không cần đưa nội dung này vào)

– Khi bầu đại biểu dự đại hội đại biểu đảng bộ cấp trên, danh sách bầu đại biểu chính thức và dự khuyết được lập chung một danh sách; bầu đại biểu chính thức trước, số còn lại bầu đại biểu dự khuyết. Trường hợp bầu đại biểu chính thức đã đủ số lượng mà vẫn còn một số đại biểu có số phiếu được bầu nhiều hơn một nửa so với số đảng viên được triệu tập hoặc nhiều hơn một nửa so với số đại biểu được triệu tập, thì đại biểu dự khuyết được lấy trong số các đại biểu đó theo kết quả được bầu từ cao xuống thấp. Nếu còn thiếu đại biểu dự khuyết theo quy định, có bầu tiếp hay không bầu tiếp do đại hội quyết định.

– Danh sách bầu cử lần sau có giới thiệu bổ sung đại biểu ngoài danh sách bầu cử lần trước hay không do đại hội quyết định.

Điều 11. Phiếu bầu cử (theo Điều 15 – Quy chế bầu cử trong Đảng)

1- Phiếu bầu in họ và tên những người trong danh sách bầu cử; đóng dấu của chi bộ ở góc trái phía trên của phiếu bầu.

Người bầu cử nếu không bầu cho ai trong danh sách bầu cử thì gạch giữa cả chữ họ và tên của người mà mình không bầu.

Trường hợp danh sách bầu không có số dư, phiếu bầu được chia làm 4 cột là: số thứ tự; họ và tên; đồng ý; không đồng ý. Người bầu cử đánh dấu X vào ô đồng ý hoặc ô không đồng ý tương ứng với họ và tên người trong danh sách bầu cử.

2- Phiếu hợp lệ và không hợp lệ:

– Phiếu hợp lệ là phiếu do ban kiểm phiếu phát ra, phiếu bầu đủ hoặc thiếu số lượng cần bầu; phiếu bầu mà danh sách bầu cử chỉ có một người, người bầu cử đánh dấu X vào một trong hai ô đồng ý hoặc không đồng ý; phiếu bầu nhiều người mà không có số dư, người bầu cử đánh dấu X vào cả hai ô (đồng ý và không đồng ý) hoặc không đánh dấu X vào cả hai ô (đồng ý và không đồng ý) của một người hoặc một số người trong danh sách bầu cử.

– Phiếu không hợp lệ là phiếu không do ban kiểm phiếu phát ra; phiếu bầu nhiều hơn số lượng quy định; phiếu không bầu cho ai trong danh sách bầu cử nhiều người; phiếu đánh dấu X vào cả ô đồng ý và ô không đồng ý trong danh sách bầu cử chỉ có một người; phiếu bầu người ngoài danh sách bầu cử; phiếu có đánh dấu hoặc dùng nhiều loại mực; phiếu ký tên hoặc viết thêm.

Điều 12. Tính kết quả bầu cử (theo Điều 30 – Quy chế bầu cử trong Đảng)

1- Kết quả bầu cử được tính trên số phiếu bầu hợp lệ; phiếu hợp lệ là phiếu được quy định tại Điều 10 nêu trên.

Người trúng cử phải đạt số phiếu bầu quá một nửa so với tổng số đảng viên chính thức của chi bộ được triệu tập trừ số đảng viên đã được giới thiệu sinh hoạt tạm thời ở đảng bộ khác, đảng viên đã được miễn công tác và sinh hoạt đảng không có mặt ở đại hội (nếu đảng viên đó có mặt ở đại hội, tham gia bầu cử, biểu quyết thì vẫn tính), số đảng viên bị đình chỉ sinh hoạt đảng, bị khởi tố, truy tố, tạm giam, đảng viên chính thức vắng mặt suốt thời gian đại hội có lý do chính đáng được cấp ủy triệu tập đại hội đồng ý.

2- Trường hợp số người đạt số phiếu bầu quá một nửa nhiều hơn số lượng cần bầu thì những người trúng cử là những người có số phiếu cao hơn.

3- Nếu cuối danh sách trúng cử có nhiều người bằng phiếu nhau và nhiều hơn số lượng cần bầu, thì chủ tịch hoặc đoàn chủ tịch đại hội lập danh sách những người ngang phiếu nhau đó để đại hội bầu lại và lấy người có số phiếu cao hơn, không cần phải quá một nửa. Trường hợp bầu lại mà số phiếu vẫn bằng nhau, có bầu tiếp hay không do đại hội quyết định.

ĐẠI HỘI CHI BỘ……….
LẦN THỨ…., NHIỆM KỲ………

 

Sổ tay điện tử – ĐUK Bình Thuận

0