Trợ lý ảo hỗ trợ công tác xây dựng Đảng

Docly Child

Hướng dẫn số 36-HD/BTCTU về phân công công tác đảng viên

Ước tính thời gian nghiên cứu: 16 phút 151 lượt xem

HƯỚNG DẪN PHÂN CÔNG CÔNG TÁC CHO ĐẢNG VIÊN HÀNG NĂM CỦA BTC TỈNH ỦY
——

TỈNH ỦY BÌNH THUẬN
BAN TỔ CHỨC

*
Số 36 – HD/BTCTU

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM

 

Phan Thiết, ngày 18 tháng 7 năm 2008

HƯỚNG DẪN

Phân công công tác cho đảng viên

—–

1. Mục đích, yêu cầu:

– Nhằm tăng cường trách nhiệm của đảng viên trong thực hiện các nhiệm vụ của chi bộ; tăng cường mối quan hệ giữa đảng viên với quần chúng; giúp đảng viên rèn luyện, không ngừng phát huy vai trò tiền phong, gương mẫu, tính tổ chức kỷ luật; đồng thời tạo điều kiện để quần chúng, giám sát giúp đỡ tổ chức đảng và đảng viên.

– Kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công là cơ sở để đánh giá đúng chất lượng đảng viên hàng năm.

– Tất cả đảng viên (kể cả đảng viên sinh hoạt đảng tạm thời) đều phải được phân công nhiệm vụ cụ thể, phù hợp với khả năng, điều kiện, hoàn cảnh và sức khỏe của từng đảng viên.

2. Nội dung phân công công tác đảng viên:

2.1. Đối với đảng viên đang công tác trong các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, lực lượng vũ trang, doanh nghiệp…, được phân công:

– Thực hiện nhiệm vụ đảng viên theo quy định tại Điều 2 Điều lệ Đảng.

– Thực hiện chức trách, nhiệm vụ chuyên môn do chính quyền, cơ quan, đơn vị giao (nhiệm vụ do cấp ủy cấp trên giao đối với đảng viên là cán bộ lãnh đạo sinh hoạt tại chi bộ).

– Thực hiện chức trách, nhiệm vụ do tổ đảng, đoàn thể phân công.

– Thực hiện một số nhiệm vụ cụ thể về xây dựng chi bộ trong sạch, vững mạnh, cơ quan, đơn vị và các đoàn thể vững mạnh.

– Thực hiện giữ mối liên hệ với cấp ủy nơi cư trú theo Quy định 76-QĐ/TW của Bộ Chính trị và thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú .

2.2. Đối với đảng viên ở xã, phường, thị trấn được phân công

a- Đảng viên là cán bộ chuyên trách và công chức cấp xã:

Thực hiện các nội dung tương tự như điểm 2.1 nêu trên và có thể phân công thêm một số nhiệm vụ của đảng viên ở điểm (b) dưới đây.

b- Đảng viên là cán bộ không chuyên trách cấp xã và thôn (khu phố ):

– Thực hiện nhiệm vụ đảng viên theo quy định tại Điều 2 Điều lệ Đảng.

– Thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao đối với cán bộ không chuyên trách cấp xã, thôn (khu phố) và có thể phân công thêm một số nhiệm vụ ở địa bàn dân cư theo điểm (c) dưới đây.

– Thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú .

c- Đảng viên ở địa bàn thôn (khu phố):

Thực hiện nhiệm vụ đảng viên theo quy định tại Điều 2 Điều lệ Đảng;

– Thực hiện hoặc tích cực vận động thực hiện các phong trào ở cơ sở như: chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; phát triển kinh tế hộ gia đình; xây dựng thôn, khu phố, tổ tự quản sạch đẹp văn minh và gia đình văn hóa mới; phòng chống các tệ nạn xã hội; bảo đảm trật tự, an toàn, đoàn kết ở khu dân cư; giúp đỡ các hộ gia đình xóa đói giảm nghèo, khắc phục khó khăn…

– Theo dõi, giúp đỡ quần chúng ưu tú phấn đấu vào Đảng; giúp đỡ các tổ chức quần chúng hoạt động và tuyên truyền, giáo dục đoàn viên, hội viên phấn đấu vào Đảng.

– Phụ trách tổ an ninh thôn xóm; tổ khuyến nông, khuyến học, hoà giải;

d- Đảng viên là cán bộ hưu trí: Ngay sau khi đảng viên nghỉ hưu và chuyển sinh hoạt đảng về địa phương nơi cư trú, chi bộ phải tiến hành phân công công tác cho đảng viên (chi bộ bổ sung danh sách đảng viên và điều chỉnh nhiệm vụ được phân công theo yêu cầu của chi bộ).

– Những công tác ở thôn, khu phố cần được phân công cho đảng viên:

+ Cấp ủy chi bộ: Bí thư, phó bí thư, chi ủy viên;

+ Trưởng ban, phó trưởng ban Ban điều hành thôn, khu phố;

+ Tổ trưởng, tổ phó tổ tự quản;

+ Trưởng, phó và ủy viên Ban chấp hành các đoàn thể như Ban công tác mặt trận, chi hội người cao tuổi, chi hội cựu chiến binh, chi hội phụ nữ, chi hội nông dân, chi hội chữ thập đỏ…;

– Giám sát những công việc, những công trình do nhân dân đóng góp hoặc những công trình của cấp trên triển khai trên địa bàn của thôn, khu phố có ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, an ninh, trật tự, văn hoá – xã hội, vệ sinh môi trường và đời sống nhân dân được ghi trong Quy chế dân chủ cơ sở;

– Vận động nhân dân ủng hộ các quỹ tương trợ, nhân đạo, từ thiện;

– Tuyên truyền, giáo dục và vận động một hoặc một số hộ gia đình xung quanh gia đình của đảng viên để thực hiện tốt chủ trương xây dựng thôn, khu phố văn hoá, gia đình văn hoá hoặc các phong trào khác do thôn, khu phố phát động; hướng dẫn, giúp đỡ những hộ nghèo, có khó khăn về làm ăn, sinh sống hoặc gặp những rủi ro khác trong cuộc sống… hoặc hướng dẫn, giúp đỡ việc giáo dục thanh thiếu nhi ở thôn, khu phố…

Tùy theo số lượng đảng viên trong chi bộ và số hộ gia đình của thôn, khu phố, tình hình địa phương mà phân công đảng viên thực hiện các nhiệm vụ nói trên cho phù hợp.

e- Đảng viên là cán bộ hưu trí sinh hoạt đảng ở nơi cư trú nhưng đang công tác tại các cơ quan hội quần chúng ở cấp xã, cấp huyện hoặc cấp tỉnh:

– Thực hiện nhiệm vụ đảng viên theo Quy định tại Điều 2 Điều lệ Đảng;

– Thực hiện nhiệm vụ theo chức trách nhiệm vụ được giao của cơ quan;

– Cuối năm, đảng viên lấy ý kiến nhận xét của cơ quan về kết quả thực hiện nhiệm vụ và việc giữ gìn tư cách đảng viên ở cơ quan gởi về chi bộ để làm cơ sở xem xét đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ của đảng viên và xếp loại đảng viên.

Ngoài ra, có thể phân công thực hiện một số nhiệm vụ phù hợp đối với đảng viên như ở địa bàn dân cư (điểm c) nêu trên.

g- Đối với đảng viên được miễn công tác và sinh hoạt đảng: thực hiện nhiệm vụ đảng viên theo quy định tại Điều 2 Điều lệ Đảng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và sức khỏe của đảng viên; giáo dục gia đình, con cháu chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương và xây dựng gia đình văn hóa.

3. Tổ chức thực hiện:

3.1. Đối với cấp ủy cấp trên cơ sở:

– Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy căn cứ Hướng dẫn này và tình hình thực tế của Đảng bộ tiếp tục cụ thể hóa các nội dung Hướng dẫn phân công công tác cho đảng viên cho phù hợp với tình hình Đảng bộ mình.

– Định kỳ 6 tháng một lần, chỉ đạo, kiểm tra, chấn chỉnh các cấp ủy trực thuộc thực hiện việc phân công công tác cho đảng viên; kịp thời biểu dương, khen thưởng tổ chức đảng thực hiện tốt, nhắc nhở tổ chức đảng thực hiện chưa tốt.

– Hàng năm sơ kết rút kinh nghiệm; báo cáo kết quả thực phân công tác đảng viên và phản ánh những vấn đề có liên quan với Ban Tổ chức Tỉnh ủy để nghiên cứu, sửa đổi bổ sung cho phù hợp.

3.2. Đối với các đảng ủy cơ sở:

– Quán triệt sâu, kỹ nội dung Hướng dẫn phân công công tác đảng viên của cấp ủy cấp trên. Chỉ đạo các chi bộ trực thuộc tổ chức thực hiện tốt các nội dung tại điểm (3.3) dưới đây. Chú ý hướng dẫn việc phân công công tác đảng viên cho phù hợp đặc điểm tình hình của từng địa địa bàn dân cư.

– Định kỳ 6 tháng một lần tổ chức kiểm tra việc phân công công tác cho đảng viên ở các chi bộ trực thuộc, chấn chỉnh kịp thời những chi bộ thực hiện chưa tốt và chưa đầy đủ theo hướng dẫn của cấp ủy cấp trên.

– Chỉ đạo các tổ chức chính quyền, đoàn thể quần chúng trực thuộc kịp thời thông báo cho chi bộ về nhiệm vụ chuyên môn đã giao cho cán bộ, công chức và nhiệm vụ được đoàn thể quần chúng phân công cho đoàn viên, hội viên là đảng viên của các chi bộ.

– Hàng năm sơ kết rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng những chi bộ làm tốt; báo cáo kết quả thực hiện phân công công tác đảng viên lên cấp ủy cấp trên và phản ánh những vấn đề có liên quan với cấp ủy cấp trên để được hướng dẫn kịp thời.

3.3. Đối với chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở (kể cả chi bộ cơ sở):

– Ngay từ đầu năm chi ủy (hoặc bí thư chi bộ) rà soát, điều chỉnh việc phân công công tác cho đảng viên trong năm, báo cáo chi bộ. Chi bộ thảo luận, thống nhất, ra nghị quyết (hoặc kế hoạch) phân công công tác cho đảng viên; phân công cấp ủy viên đôn đốc, kiểm tra đảng viên thực hiện nhiệm vụ, định kỳ báo cáo kết quả với chi bộ. Khi đảng viên có thay đổi nhiệm vụ hoặc đảng viên có biến động trong năm, phải bổ sung nghị quyết (kế hoạch) và điều chỉnh nhiệm vụ của đảng viên được phân công .

– Định kỳ sinh hoạt chi bộ hàng tháng, đảng viên báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ trước chi bộ, chi bộ nhận xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ của đảng viên.

– Cuối năm, trên cơ sở kiểm điểm việc thực hiện nhiệm vụ được giao của đảng viên, chi bộ xem xét, đánh giá và xếp loại đảng viên theo hướng dẫn của cấp ủy cấp trên. Đối với những đảng viên là cán bộ hưu trí sinh hoạt đảng ở nơi cư trú nhưng đang đảm nhận các nhiệm vụ được giao của hội quần chúng từ cấp xã trở lên, trước khi kiểm điểm đánh giá, xếp loại đảng viên hàng năm ngoài việc kiểm điểm thực hiện nhiệm vụ và giữ gìn tư cách đảng viên ở nơi cư trú, chi bộ cần yêu cầu đảng viên lấy ý kiến nhận xét của cơ quan về kết quả thực hiện nhiệm vụ và việc giữ gìn tư cách đảng viên ở cơ quan hội để làm cơ sở đánh giá và xếp loại đảng viên hàng năm cho sát, đúng thực chất.

– Báo cáo kết quả việc thực hiện phân công công tác đảng viên lên cấp ủy cấp trên; phản ánh những vấn đề có liên quan với cấp ủy cấp trên để được hướng dẫn kịp thời.

Hướng dẫn này được phổ biến đến các chi bộ để thực hiện./.

Nơi nhận:

– Ban Thường vụ Tỉnh ủy (B/c);

– Ban Thường vụ các huyện, thị, thành ủy

và đảng ủy trực thuộc;

– Các đ/c Lãnh đạo Ban (mạng);

– Lưu VP và Phòng H -CSĐ & ĐV;

K/T TRƯỞNG BAN

PHÓ TRƯỞNG BAN

 

(đã ký)

 

Nguyễn Thu Sơn

Sổ tay điện tử – ĐUK Bình Thuận

0